Đánh giá quy hoạch thủy lợi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Ngày 21-4, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình có 30 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ trên 2.000ha, khoảng 22.620 công trình thủy lợi, gồm: 2.461 hồ chứa, 16.826 đập dâng, 2.652 trạm bơm, 681 cống, 66.000 km kênh mương, 2.500 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Các công trình thủy lợi đảm bảo cấp nước cho hàng triệu ha đất canh tác, 151 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Hệ thống hồ chứa tham gia phòng, chống lũ với tổng dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du.

Tỉnh Tuyên Quang có 2.800 công trình thủy lợi, chủ yếu là các công trình vừa và nhỏ. Các công trình đã cung cấp lượng nước lớn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của tự nhiên, biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh nguồn nước đặt ra các vấn đề cho công tác thủy lợi của lưu vực.

Tại cuộc họp các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, tồn tại hạn chế của hệ thống thủy lợi hiện tại trên địa bàn tỉnh, đồng thời cập nhật các yếu tố mới như biến đổi khí hậu, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh, vai trò then chốt của hệ thống thủy lợi trong việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cũng như cung cấp nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.

Việc rà soát quy hoạch lần này là cơ hội để Tuyên Quang nhìn nhận một cách toàn diện các tiềm năng và thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp quy hoạch hiệu quả và bền vững hơn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND yêu cầu, các huyện, thành phố rà soát kỹ các công trình để đưa vào quy hoạch xây dựng, tránh trường hợp bỏ sót công trình. Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở báo cáo tổng hợp của các huyện, thành phố hoàn thiện đề xuất trình UBND ký, gửi Chính phủ để đầu tư, xây dựng.       

   Tin, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục